Đây là một cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong thế kỷ 19, trong tuần đầu tiên 5.000 bản đã được bán sạch và được tin là động lực cho cuộc đấu tranh bãi nô. Trong năm đầu tiên sau khi xuất bản, 300.000 bản được bán hết chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm tại các bang miền Nam nước này. Cuốn sách quan trọng đến mức, khi Tổng thống Abraham Lincoln gặp Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: "Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại"Và tác giả, chào đời với tên Harriet Beecher ở Litchfield, Connecticut, bà là con gái của Lyman Beecher, nhà thuyết giảng thuộc giáo phái Tự trị Giáo đoàn theo chủ nghĩa bãi nô. Năm 1832, gia đình bà dời về Cincinnati, nơi có nhiều hoạt động bãi nô. Ở đấy, bà được nghe những câu chuyện kể về chế độ nô lệ. Harriet chưa bao giờ đến thăm các đồn điền, nhưng có nhiều tiếp xúc với những người từng là nô lệ, ảnh hưởng thời cuộc suốt những tháng năm tăm tối ấy.Cuốn sách kể về câu chuyện của một người nô lệ da màu tên là Tom. Bác là một người lương thiện, chung thủy nhưng mặc dầu vậy, bác phải sống dưới thân phận một nô lệ và cả mạng sống bị đem ra định đoạt bởi những đồng tiền của những tên buôn người độc ác và tàn bạo. Cũng có những khoảng thời gian bác may mắn được sống ở những gia đình lương thiện, nhưng những lần ấy chẳng kéo dài được lâu và bác lại chìm trong những khổ đau và tủi nhục. Vì phải bảo vệ vợ con mà bác chịu chuyển đi nơi khác. Cuối cùng, do bảo vệ nhân phẩm của mình mà bác Tom đã bị đánh chết trong một đồn điền trồng bông ở miền Nam nước Mỹ, đây cũng là nơi chôn vùi bao cuộc đời lầm than như bác.Ở "Túp lều bác Tom", mỗi người đọc có thể tìm thấy đâu đó trong cái xã hội tối tăm ấy vẫn tràn ngập tình yêu thương con người, nơi người ta sống trong chế độ nô lệ nhưng không bị nó làm hoen ố tâm hồn. Mỗi nhân vật đều có những vẻ đẹp tâm hồn đáng ngưỡng mộ, và tất cả họ vẽ nên một cuộc sống thanh bình đẹp đẽ. Những người nô lệ, dù là thân phận nô lệ, họ vẫn có quyền hạnh phúc với thân phận của họ. Tuy nhiên, hiện thực tàn khốc vẫn ùa đến không bỏ sót một ai, khiến chúng ta ngậm ngùi thương cảm trong xót xa.Túp lều bác Tom ca ngợi những người nô lệ da đen là những người trung thực, biết tôn trọng phẩm giá con người như bác Tom, những người mẹ dũng cảm như Elida, những thanh niên cương nghị, tha thiết với tự do như George. Đồng thời tác phẩm cũng lên án đanh thép pháp luật lúc bấy giờ đã bênh vực chế độ nô lệ, cho phép đánh đập xiềng xích, giết chết những người da đen vô tội và trừng trị những ai che chở người nô lệ.
Bác Tom- đại diện cho những người luôn nô lệ luôn giữ tâm thế ngay thẳng
Bác Tom có thể nói là một con người đại diện cho những người da màu, dù bị đối xử rất tệ, nhưng vẫn giữ vững một lòng trong sạch, thà chịu đòn, đau đớn chứ nhất định không vấy bẩn lương tâm. Và cả vợ bác- Chloé là một người phụ việc trong gia đình nhà Shelby, cũng rất mực là ngay thẳng và tốt bụng. Bà tự tin với tay nghề của mình, là một người vợ thực chu đáo và tận tình với từng việc nhà.Bác chính là điểm sáng trong câu chuyện. Ban đầu bác xuất hiện như một “điểm mù”- một nhân vật khá nhạt nhòa. Nhưng sau đó, bác lại chính là người truyền tải rất rõ những thông điệp của tác giả. Bác là một người nô lệ, nhưng bác không mang một trái tim bị xiềng xích. Bác có một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đi qua những trang Kinh thánh, học những điều tử tế tốt đẹp của đời và mang trên mình một trái tim ấm nóng, luôn quan tâm và yêu thương hết thảy những con người lương thiện, và luôn thủy chung một lòng với người chủ cũ- gia đình Shelby của mình.
Vào giây phút buộc phải chia li với gia đình, túp lều của mình để nghe lời ông chủ, trong một tình thế bắt buộc phải chuyển đi nơi xa, những lời còn lại cuối cùng của bác Tom, đó là lời nhắn gửi đến từng thành viên, là chút yêu thương gửi lại một nơi mình đã ở từ khi còn bé.
“Bác Tom ngồi bên cạnh bác gái, cuốn Thánh kinh để mở trên đầu gối. Hai người chẳng ai nói gì. Những đứa con vẫn còn đang ngủ.Bác Chloé đặt chiếc bàn là xuống, đến ngồi bên bàn và cất tiếng: - Em biết cần phải nhẫn nại, nhưng giá như ít ra em cũng được biết mình sẽ ở đâu và người ta đối xử với mình như thế nào! Bà chủ nói là trong vòng một hay hai năm, bà sẽ chuộc lại mình. Nhưng những ai đã đi xuống miền Nam thì chẳng bao giờ.trở lại. Em biết rất rõ người ta đối xử với họ thế nào trong các đồn điền.- Tôi là người bị bán đi, - bác Tom trả lời, -chứ không phải là mình và các con. ở đây, mình và các con được an toàn. Điều gì xảy đến sẽ chỉ xảy đến với riêng mình tôi thôi, và chúa sẽ phù hộ tôi.- Không đúng đâu, ông chủ không được bán mình đi! ông ấy phải cho mình được tự do. Lẽ ra ông ấy phải giải phóng cho mình từ nhiều năm nay rồi. Chính mình là người lo toan mọi việc cho ông ấy.- Chloé, mình đừng nói như thế. Những người chủ vẫn quen được người ta làm mọi việc vì họ...nhưng ông chủ của chúng ta tốt hơn những người khác nhiều. ông ấy sẽ không để tôi phải đi nếu ông ấy có thể làm khác được, tôi biết chắc như thế.- Tất cả những điều đó không làm em khuây khỏa được đâu. Để em dọn cho mình một bữa ăn cuối cùng.”